A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục kỹ năng sống từ những việc làm nhỏ

(GDTĐ) - Năm học 2015 – 2016, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường hàng ngày duy trì nề nếp trực nhật lớp của học sinh, đồng thời định kỳ tổ chức các buổi lao động tập thể. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình của các nhà trường và CMHS bởi không chỉ nhằm tạo chuyển biến trong công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, hình thành ở các em ý thức tự quản, giữ gìn cảnh quan sư phạm trong trường, lớp học mà còn nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thành phố.

Làm mới khái niệm trực nhật lớp

Theo văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc triển khai thực hiện các công việc đầu năm học 2015 – 2016, các trường, hàng ngày, duy trì nề nếp trực nhật lớp của học sinh (không thuê dịch vụ làm việc này). Chỉ thuê dịch vụ tại các khu vực như khu vệ sinh, sân trường. Đồng thời, định kỳ tổ chức các buổi lao động tập thể với sự tham gia của giáo viên, nhân viên và học sinh nhằm tạo ý thức lao động giữ gìn vệ sinh chung và tạo cảnh quan sư phạm trong khuôn viên của trường.

Sở cũng yêu cầu các trường duy trì nền nếp thể dục giữa giờ bằng các bài tập phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi. Khi kết thúc buổi tập, học sinh hô khẩu hiệu: “Rèn luyện thân thể - đẩy mạnh học tập. Rèn luyện thân thể - bảo vệ Tổ quốc. Rèn luyện thân thể - kiến thiết đất nước. Thể dục – Khỏe!”.

Được biết, cách đây hơn chục năm, ý tưởng thuê người làm vệ sinh trường lớp học với mục đích giúp học sinh có thêm thời gian tập trung vào việc học, giáo viên cũng đỡ mất thời gian phân công, giám sát việc làm vệ sinh lớp được nhiều trường coi đó là một sáng kiến đúng đắn. Tuy nhiên, thời gian qua, sáng kiến này đã bộc lộ nhiều bất cập khiến không ít người cả trong và ngoài ngành giáo dục đều đồng tình ủng hộ chủ trương “xốc” lại hoạt động này để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết của các em học sinh cũng như đội ngũ giáo viên, cán bộ nhà trường.

Cô giáo Phạm Thị Yến – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) cho biết: Thực hiện chủ trương của ngành, từ đầu năm học, trường đã phổ biến cho giáo viên nắm rõ tinh thần và có kế hoạch tuyên truyền cho học sinh về ý thức giữ gìn vệ sinh. Lần lượt từng tổ học sinh sẽ phân công trực nhật lớp, cụ thể là nhặt giấy rác, lau dọn bàn ghế, vệ sinh xung quanh lớp học… Để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, từ lâu nhà trường đã tuyên truyền về việc giữ gìn vệ sinh chung. Chẳng hạn, khi tiếng trống tập trung toàn trường, các con nhìn xuống dưới chân mình, nếu có rác thì chủ động nhặt và vứt vào thùng rác. Mỗi em chỉ dành 1 giây nhưng sẽ giúp bác lao công tiết kiệm sức lao động, đồng thời giữ được ngôi trường thân yêu sạch – đẹp. Cùng với đó, vì học bán trú nên các em cũng được hướng dẫn cách gấp chăn màn, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp.

Theo cô Yến, cho học sinh lao động, trực nhật là chủ trương đúng, tuy nhiên không thể thực hiện cứng nhắc mà cần linh hoạt theo từng thời điểm. Chẳng hạn, không thể áp dùng hình thức trực nhật cách đây 30 năm vào tình hình hiện nay. Không thể bắt CMHS chở các con đến lớp phải mang theo chổi để các con quét lớp, cũng không thể bắt học sinh làm tất cả mọi việc mà không cần đến lao công.

Hoàn toàn ủng hộ chủ trương của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô, chị Nguyễn Cẩm Bình có con học lớp 6 trường THCS Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Phải cho học sinh lao động chứ việc gì cũng có người lớn làm sẵn thì các cháu không hoạt bát, nhanh nhẹn. Con tôi rất vui vẻ khi tham gia lao động bởi việc trực nhật của các con không nặng nề mà chỉ có một số việc nhỏ như giặt giẻ lau, nhặt rác… Hôm nào đến tổ cháu trực nhật là có ý thức đi học sớm hơn khoảng 5,10 phút. Theo tôi đây là điều rất tốt”.

Trên thực tế, việc trực nhật lớp đã được áp dụng tại các nước có nền giáo dục tiên tiến. Nó góp phần giáo dục cho các em hiểu được giá trị của sức lao động, biết bảo vệ thành quả lao động của bản thân, từ đó có ý thức trong mỗi hành động. Ví dụ như ở Nhật Bản, khi lớp học kết thúc vào buổi chiều, một công việc khác bắt đầu. Đó là souzi touban hay còn gọi là trực nhật lớp. Nhóm trực nhật khi được phân công sẽ không được về luôn sau khi tan học mà phải ở lại làm công việc dọn vệ sinh cuối ngày. Và trước khi ra về, một bạn học sinh sẽ phải làm nhiệm vụ viết gakkyuu nissi, đây là ghi chép lại về các hoạt động của cả lớp trong ngày hôm đó. Sau đó cuốn sổ sẽ được nộp lại cho văn phòng.

Học sinh Thủ đô trồng và chăm sóc cây

Dạy kỹ năng sống không nhất thiết từ bài học trong sách vở

Cô Phạm Thị Yến cho biết: Học sinh tiểu học còn non nớt về kỹ năng sống, do đó trường TH Thành Công B tổ chức giáo các chương trình lồng ghép thông qua các chủ đề như: Giáo dục Luật ATGT, phòng chống tai nạn thương tích, bảo vệ môi trường… Ngoài ra, nội dung giáo dục kỹ năng sống cũng được giáo viên nhà trường tích hợp qua các bài giảng trên lớp.

Để nâng cao thể lực cho học sinh, trước đây, trường TH Thành Công B tổ chức cho học sinh tập dân vũ, múa hát tập thể giữa giờ. Tuy nhiên, năm học 2015 – 2016, thực hiện công văn của Sở, nhà trường yêu cầu giáo viên thể dục hướng dẫn cho học sinh toàn trường các bài tập thể dục để các em thực hiện đúng kỹ thuật. Vì diện tích sân trường tương đối hẹp, không đủ cho tất cả học sinh giữ đúng khoảng cách nên khi có hiệu lệnh, học sinh sẽ đứng ở hành lang các lớp để tập thể dục giữa giờ.

Thầy giáo Phạm Trường Lưu – Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng) nhận định: Hiện nay, hầu hết các trường của Thủ đô, trẻ được thụ hưởng hệ thống cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp nên việc vệ sinh không vất vả và tốn công sức như ngày xưa. Ở trường THCS Ngô Quyền, lớp nào cũng có đội sao đỏ, duy trì cơ sở vật chất, bảo vệ ghế nhựa… Để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động khác cho các em như: tỉa cây, chăm sóc vườn trường, thăm quan các di tịch lịch sử hay tổ chức các hoạt động dã ngoại… Ngoài ra, việc tập thể dục giữa giờ từ lâu đã được trường thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện cho học sinh vận động, giải phóng năng lượng sau 2, 3 tiết học căng thẳng trên lớp.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong những năm gần đây đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người làm công tác giáo dục. Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức, các lớp dạy kỹ năng sống cũng lần lượt ra đời ngày càng nhiều. Đặc biệt mới đây, chủ đề này đã “nóng” ở nhiều diễn đàn khi người ta phát hiện ra bài "bạn An dũng cảm đi trên thảm thủy tinh" trong cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” không phù hợp với học sinh. Cụ thể, bài học về lòng dũng cảm có nội dung: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh. Nhờ vậy mà An đã đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”. Sau tất cả những vấn đề trên, một câu hỏi tiếp tục được nhiều người đặt ra là làm sao để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh một cách hiệu quả.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dạy kỹ năng sống cho học sinh cần xuất phát từ thực tế chứ không nên có những bài học cao siêu. Dạy kỹ năng sống có thể bằng những bài học gần gũi như: dạy trẻ cách tự thực hành vệ sinh cá nhân, lễ phép với người lớn, cách ngồi học cho không vẹo cột sống, không cận thị, cách ứng xử với người lạ, xử lý khi bị đi lạc, các kỹ năng an toàn trong các trường hợp nguy hiểm… Daỵ kỹ năng sống phải cho các em thực hành và việc trực nhật lớp chỉ mất năm mười phút, nhưng điều các em nhận lại là những giá trị tốt đẹp của cuộc sống- điều rất cần thiết cho cuộc đời mỗi con người. 


Tác giả: Tô An
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 78
Tháng 04 : 2.583
Tháng trước : 2.585